Chuỗi cung ứng Việt Nam ‘lao đao’ vì Mỹ tăng thuế 46%
Ngày 2 tháng 4 năm 2025, Mỹ tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, gây chấn động ngành xuất khẩu.
Đây là mức thuế cao chưa từng có, ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất và logistics.
Câu hỏi đặt ra: Liệu chuỗi cung ứng Việt Nam có thể trụ vững hay sẽ rơi vào khủng hoảng?
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 2 tháng năm 2025 đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Trong năm 2024, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 18,4%. Tiếp đến là mặt hàng dệt may đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 13,5% tỷ trọng xuất khẩu.
Trong 2 tháng năm 2025, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu vẫn là nhóm mặt hàng vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 22,1% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 16,8%.
Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 2 tháng đầu năm 2025 so với năm trước đó: Đồ chơi dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 154,8%; dây điện và dây cáp điện tăng 65%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tâng 124,5%; nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng 50%; cà phê tăng 53,1%; hàng rau quả tăng 65%.

Trên thực tế, Mỹ là thị trường lớn của nhiều mặt hàng Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản. Với mức thuế mới, giá hàng Việt Nam tại Mỹ tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh. Doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất đơn hàng hoặc phải giảm giá mạnh để duy trì hợp đồng.
Đồng thời nhiều nhà máy sản xuất của các công ty đa quốc gia như: Samsung, Intel, Nike, Adidas…phục vụ xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị sụt giảm đơn hàng, có thể phải cắt giảm lao động.
Các công ty đa quốc gia đặt cở sở sản xuất tại Việt Nam có thể sẽ phải cân nhắc dịch chuyển sản xuất sang nước khác để tránh thuế.
Khi sản xuất, thương mại bị ảnh hưởng, sẽ kéo theo tác động đến ngành logistics Việt Nam, khi sản lượng vận chuyển sẽ bị sụt giảm, các doanh nghiệp đối mặt với làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang nước thứ ba để giảm thuế suất.
Các doanh nghiệp Logistics cần linh động tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh hiện tại, gia tăng lợi thế cạnh tranh để thích ứng với điều kiện thực tế.
Dự kiến việc tăng thuế suất này sẽ dẫn đến biến động lớn trong giá vận chuyển cũng như thay đổi các tuyến vận chuyển chủ chốt truyền thống lâu nay.